Chuyển đến Nội dung

Loại Vải Mà Chúng Ta Cần: Tính Năng của Vải Bông Vượt Trội Qua Nhiều Thế Hệ

Trong hàng thế kỷ, một loại nguyên liệu đã vượt trội hơn so với tất cả các nguyên liệu khác.

Khi còn là sinh viên thiết kế hơn một thập kỷ trước, tôi nhớ Giáo sư nói với chúng tôi rằng, “đừng chọn bông cho quần áo thể thao.” Thông điệp đó rất rõ ràng: bông không phải là vải đa tính năng. Suốt nhiều năm sau đó, khi làm việc với các nhãn hàng với vai trò là nhà thiết kế, phát triển và tư vấn, tôi đã tìm thấy một sự thật khá trái ngược: bông đã và luôn là vật liệu đa tính năng. Bông không chỉ thích ứng tốt và đa tính năng, trong lịch sử nó còn đại diện cho một tiêu chuẩn bền vững cao. Việc tìm hiểu và gỡ rối những đoạn lịch sử của ngành dệt may khá khó khăn, nhưng từ việc tìm hiểu sự tiến hóa của các loại xơ, vải và thành phẩm đặc trưng, việc bông là một nguyên liệu bền vững từ lâu đời trở nên hết sức rõ ràng.

Chúng ta hãy bắt đầu từ những năm 1500, khi các sản phẩm bông có khả năng chống thấm nước được giới thiệu. Ý tưởng này bắt đầu từ việc các thủy thủ Anh và Scotland phát hiện rằng nếu kết hợp dầu cá vào buồm đi biển của họ thì chúng sẽ trở nên hiệu quả hơn khi trời mưa và nhẹ hơn khi trời nắng, vượt trội so với những cánh buồm không được xử lý. Kể từ đó, một loạt các thiết kế và phát triển được cho ra đời và cuối cùng trở thành bông được hồ - bông được tẩm với dầu và sáp ong tự nhiên. Cuối cùng, thủy thủ làm nón từ vải buồm được xử lý. Hải quân Hoàng gia còn sử dụng bông hồ trên cánh buồm của các con tàu đi đến Ai Cập để thu hoạch thêm bông.

Ngành công nghiệp đóng tàu thống trị thị trường bông trong suốt những năm 17-1800, và rồi Barbour gia nhập thị trường. Trong những năm đầu thập niên 1930, họ dùng bông hồ để làm đồng phục cho đội xe của họ, được mặc bởi đội xe Liên Hiệp Anh trong các cuộc thi từ năm 1936 đến 1977 và được mặc bởi diễn viên Mỹ nổi tiếng Steve McQueen. Quân Đội Anh cũng sử dụng đồng phục làm từ bông hồ trong Thế chiến thứ II. Loại vải này đã tiến hóa từ đó và có nhiều ứng dụng hơn cho sản phẩm may mặc cần đến khả năng giữ nhiệt.

Sự ưu việt kế tiếp của bông: sự bảo vệ khỏi môi trường khắc nghiệt. Vải Grenfell (1923), vải Byrd (1934), và Ventile (1943) chỉ là một vài mẫu vải được phát triển để dùng trong điều kiện khắc nghiệt. Vải Grenfell, đặt tên theo một bác sĩ truyền giáo người Anh, được làm với 600 xơ bông trên mỗi inch và đủ mạnh để chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt ở vùng Newfoundland nơi mà Grenfell làm việc. Giống như vải Grenfell, vải Byrd được thiết kế để chống chọi lại môi trường khắc nghiệt. Richard Byrd là một nhà thám hiểm Nam Cực và cần quần áo có thể chống gió, nhưng vẫn thoáng khí để mồ hôi có thể thoát ra khỏi cơ thể thay vì đóng băng trên da. Tương tự như bông được hồ, vải Byrd đã trở thành đồng phục quân đội phổ biến, vì nó khô nhanh hơn, thoáng khí hơn, chống muỗi, và nhẹ hơn so với vải tréo. Loại vải này tiếp tục được sử dụng để sản xuất các loại quần áo dùng trong thời tiết lạnh cho đến ngày nay.

Cuối cùng, chúng ta sẽ nói về Ventile, vải chống thời tiết khắc nghiệt với một điểm nhấn. Ventile là vải dệt thoi từ xơ siêu dài (ELS). Chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng bông trên toàn thế giới, bông ELS tạo ra sợi có cường lực rất cao mà khi được dệt với mật độ cao để tạo thành vải dệt thoi dùng 100% bông, thì sẽ có khả năng chống lại các điều kiện thời tiết bất lợi rất hiệu quả. Vải cũng tạo cảm giác mềm mịn, dễ chịu cả ngày do mình vải mềm và thoáng khí. Được phát triển lần đầu tiên bởi các nhà khoa học tại Shirley Institute in Manchester, Anh Quốc, giờ đây Ventile chỉ được sản xuất bởi Stotz & Co AG ở Thụy Sĩ, công ty này kéo sợi, xoắn, dệt và nhuộm nguyên liệu, bán sản phẩm dưới nhãn hàng etaProof đến cho các nhà sản xuất hàng may mặc và nhà phân phối dệt may trên toàn thế giới.

Về sự ưu việt sau cùng của bông, chúng ta có sự cải tiến kết hợp cả tính năng và sự bền vững, Foxfibre. Một trong những câu chuyện ưa thích nhất của tôi trong lịch sử ngành dệt may, Foxfibre được phát triển vào năm 1980 bởi Sally Fox. Một sự cải tiến vượt bậc vào thời đó, nó là loại bông màu đầu tiên được thương mại hóa và có thể kéo sợi được, Sally Fox giúp thay đổi quá trình tẩy độc hại, giảm nước thải, và chi phí nhân công thường gắn liền với quá trình kéo sợi thủ công. Chuyên môn đặc biệt của bà về loại bông màu mang lại một giải pháp thân thiện với môi trường đến cho thị trường. Một vài khách hàng lớn của bà gồm Levi's, Land's End và L.L. Bean—các công ty vẫn đang dẫn đầu các hoạt động phát triển bền vững ngày nay bằng việc ưu tiên dùng các nguồn nguyên liệu hữu cơ và sinh học.

Ban có thể vẫn còn đang suy nghĩ, tại sao lại kể về lịch sử? Ý tưởng của việc này là để chứng minh rằng mặc dù ngôn ngữ và chiến lược marketing có thể thay đổi cách mà người tiêu dùng hiểu về các lựa chọn vải, bông đã và vẫn là nguyên liệu đa tính năng. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng trước khi có quần áo thể thao, đồ bảo hộ lao động đã hiện hữu. Trước khi chúng ta gọi nó là đa tính năng, chúng ta đã gọi nó là tiện tích và sự thoải mái. Nếu nó chặt và thoáng khí, nó mang lại sự thoải mái. Nếu nó mềm mại, nó cũng đem đến sự thoải mái. Giá trị tự nhiên của bông bị hạ thấp qua thời gian do sự phổ biến của nguyên liệu nhân tạo, nhưng ngày nay, bông đang được ưa chuộng trở lại vì người tiêu dùng hiểu được giá trị của nó.

Hôm nay, chúng ta đều biết rằng nguyên liệu nhân tạo rất phổ biến trong tủ quần áo của chúng ta là nguyên nhân chính tạo ra hàng tấn rác thải nhựa vi mô gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng hiện nay muốn quần áo của họ thân thiện với môi trường và có nhiều tính năng. Và họ sẽ không thỏa hiệp. Với những tiến bộ mạnh mẽ trong công nghệ về bông, vải, và hoàn tất, bông có thể đáp ứng những yêu cầu kể trên – cộng thêm những lợi ích khác như tạo ra môi trường vi mô, phục hồi trạng thái cơ bắp, quản lý độ ẩm, bền chắc, co giãn và phục hồi tốt, và kháng mùi/vi khuẩn, đang được nghiên cứu bởi các công ty chuyên về phát triển bông/vật liệu. Tất cả những nỗ lực này đang được thực hiện với cân nhắc về toàn bộ dòng đời của sản phẩm – do đó tạo ra những cải tiến bền vững cho các sản phẩm bông.

Các tổ chức như Cotton Council International đã phát triển những tiêu chí đo lường tác động, cho phép xác định được cải tiến nào là bền vững nhất. Từ vải phân hủy được và xơ vi mô1 đến nông nghiệp chính xác và phương pháp trồng trọt cân bằng carbon, các đơn vị cải tiến bông đang liên tục định nghĩa trách nhiệm toàn phần là như thế nào.

Khi quý vị nghĩ về tương lai của nhãn hàng hoặc bộ sưu tập tiếp theo, hãy xem và khám phá lịch sử lâu đời của bông. Để có thêm cảm hứng, hãy tìm hiểu thêm những chương trình như WHAT’S NEW IN COTTONTM, chương trình giới thiệu công nghệ thời trang2 trong thành phẩm, phối trộn, và cải tiến về sợi. Việc chúng ta quay lại sử dụng các vật liệu tự nhiên là điều không thể tránh khỏi, và bông sẽ đồng hành cùng chúng ta trong con đường phía trước.

Trích Dẫn

Nguồn1: http://oceancleanwash.org/

Nguồn2 : https://cottonusa.org/expert-o...