Chuyển đến Nội dung

Những Yếu Tố Nào Quyết Định Nhu Cầu Xơ Hiện Tại Và Tương Lai?

NGƯỜI TIÊU DÙNG LÀ KHỞI ĐIỂM

Nguyên liệu được lựa chọn trên toàn chuỗi cung ứng phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn của người tiêu dùng. Nhãn hàng và nhà bán lẻ có thể quảng cáo và trưng bày các sản phẩm may mặc và gia dụng tại các cửa hàng, nhưng nếu người tiêu dùng không sẵn sàng chọn những sản phẩm này, thì chúng sẽ không bán được. Nhu cầu về sản phẩm sẽ có tác động lên chuỗi cung ứng, đến các nhà sản xuất sản phẩm dệt may, và cuối cùng là nhà cung cấp nguyên liệu – dù cho đó là xơ tự nhiên như bông, hoặc xơ nhân tạo, như polyester. 

Những biến số ảnh hưởng đến nhu cầu xơ nguyên liệu có thể được chia thành các xu hướng kinh tế (bao gồm công nghệ) và dân số dài hạn, và thay đổi sở thích tiêu dùng.  

Tăng trưởng dân số và thu nhập bình quân đầu người là những yếu tố dài hạn then chốt thúc đẩy nhu cầu về tất cả dịch vụ và sản phẩm, bao gồm hàng dệt may. Mặc dùng tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu đang chậm lại, nhưng dân số thế giới ước tính vẫn gia tăng 700 triệu người trong thập kỷ tới. Với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người trung bình 2,4%, thì chúng ta có thể ước tính được tổng nhu cầu xơ nguyên liệu trong thập kỷ tới sẽ tăng khoảng 28 triệu tấn so với mức hiện tại (World Supply and Demand Report 2017, PCI Wood MacKenzie).

XU HƯỚNG THỜI TRANG

Tỷ lệ bông so với tỷ lệ các xơ nguyên liệu khác trong tổng lượng cầu xơ nguyên liệu tăng sẽ phụ thuộc vào thị hiếu của người tiêu dùng, thị hiếu này bao gồm nhiều yếu tố như thiết kế, chức năng, sự thoải mái, chăm sóc, bền vững, và giá cả tương ứng. Những thay đổi về nhu cầu, cả tăng trưởng lẫn phục hồi, là một phần trong xu hướng thời trang, và thường dịch chuyển giữa bông và xơ nhân tạo . 

Mặc dù bông đã mất nhiều thị phần cho xơ nhân tạo (đặc biệt là polyester và filament) trong vài thập kỷ qua, bông vẫn là nguyên liệu được ưa chuộng của người tiêu dùng toàn cầu. Nghiên cứu này của Global Lifestyle Monitor, được thực hiện thường xuyên bởi Hiệp Hội Bông Mỹ và Cotton Incorporated trong hơn hai thập kỷ, ghi nhận rằng người tiêu dùng vẫn có xu hướng trung thành với bông bởi vì những lợi ích đặc biệt như là “thoải mái nhất” và “mềm mịn nhất” so với các sản phẩm được làm từ các xơ nguyên liệu khác. 
Người tiêu dùng toàn cầu cũng đánh giá rằng bông “đáng tin cậy nhất” và “xứng đáng nhất”, cũng như “bền bỉ hơn” so với hàng may mặc làm từ nguyên liệu nhân tạo. Với thị hiếu tiêu dùng mạnh mẽ đó, bông sẽ cạnh tranh tốt nếu những chỉ tiêu khác như thiết kế, chức năng và yêu cầu về bảo quản sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

SỰ ƯA CHUỘNG TÍNH BỀN VỮNG ỦNG HỘ BÔNG

“Sự bền vững” và “thân thiện với môi trường” ngày trở nên quan trọng hơn, từ lâu bông đã được người tiêu dùng trên toàn thế giới thường xuyên đánh giá ở mức cao nhất trong tất cả các loại xơ nguyên liệu về những chỉ tiêu phát triển bền vững. Trong hầu hết các khảo sát mới đây, 90% phản hồi đánh giá bông rất an toàn với môi trường, so với 45% cho polyester. Tính năng bền vững sau khi mua của hàng may mặc được làm từ các nguyên liệu khác nhau đã được quan tâm mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây khi các đơn vị giám sát môi trường đã chỉ ra sự gia tăng đáng quan ngại của “xơ vi mô” nhân tạo trong môi trường sông suối và biển, gây ô nhiễm nguồn cung nước và hải sản. Hầu hết dữ liệu mới đây của Global Lifestyle Monitor chỉ ra rằng, trong số các loại xơ nguyên liệu mà người tiêu dùng nhận biết, 84% phản hồi cho rằng ô nhiễm xơ vi mô là một mối nguy hại rất lớn cho môi trường từ ngành dệt may. Hầu hết ô nhiễm rác thải vi mô đến từ quá trình xử lý và giặt ủi của hàng may mặc làm từ xơ nhân tạo. Bông và các xơ tự nhiên khác có thể phân hủy nhanh chóng trong môi trường nước trong khi polyester mất đến hơn 125 năm hoặc lâu hơn. Khi nhận thức của nhãn hàng và người tiêu dùng về ô nhiễm xơ vi mô và những thách thức trong việc xử lý hàng may mặc trở nên rõ ràng hơn, họ sẽ càng yêu thích bông.

GIÁ SẢN PHẨM VẪN LÀ YẾU TỐ HÀNG ĐẦU

Mặc dù thiết kế, màu sắc, tính năng, các yêu cầu chăm sóc và bền vững đều là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng, giá sản phẩm vẫn là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu. Các sản phẩm bông thường rất cạnh tranh, nhưng chúng không phải là các sản phẩm rẻ nhất. Là xơ tự nhiên và chất lượng, nguồn cung bông trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng trực tiếp từ điều kiện thời tiết trong suốt quá trình trồng trọt, và từ lợi nhuận mang lại khi trồng các nông sản cạnh tranh khác. Giá polyester (phụ phẩm có số lượng lớn trong quá trình chế biến xăng dầu), ngược lại, thì không biến động mạnh như thế. Điều này đặc biệt đúng trong một phần tư thế kỷ trở lại đây khi mà Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào công suất sản xuất polyester và chiếm 70% sản lượng toàn cầu. Với nhu cầu hiện tại, khoảng 40% cơ sở sản xuất polyester tại Trung Quốc đang thừa công suất, làm tăng áp lực giảm giá xuống thấp hơn chi phí sản xuất và tạo ra tình hình cạnh tranh không lành mạnh với những xơ nguyên liệu khác, đặc biệt là xơ tự nhiên như bông và len.

GIỮ BÔNG CẠNH TRANH
Tình hình dân số và phát triển kinh tế sẽ là nền tảng của nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, với nhiều sản phẩm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, người tiêu dùng là người đưa ra quyết định mua hoặc không mua cuối cùng. Giá vẫn sẽ luôn là một thách thức đối với hàng may mặc và gia dụng làm từ bông nếu xơ nhân tạo vẫn ở trong tình trạng thừa nguồn cung, khi đó bông sẽ phải cạnh tranh ở những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng quan trọng khác như sự thoải mái, sự tin cậy, và xứng đáng. Trong lĩnh vực phát triển bền vững, sự liên kết giữa bông với sự an toàn cho môi trường trong tâm trí của người tiêu dùng chỉ được phát huy tối đa khi mà nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng toàn phần của ô nhiễm xơ vi mô được công bố. Khi mà polyester và xơ nhân tạo khác phải chịu trách nhiệm toàn phần về chi phí sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng, và phân hủy sản phẩm cuối cùng, thì việc giá sản phẩm bông chất lượng có cao hơn chút ít tại cửa hàng bán lẻ sẽ trở nên rất hợp lý đối với người tiêu dùng và đối với những người quyết định thiết kế và thu mua.

Để tìm hiểu thêm thông tin về Global Lifestyle Monitor, tình hình xơ nguyên liệu, và sự bền vững, vui lòng liên hệ đại diện COTTON USA (https://cottonusa.org/staff).